Thứ Tư, 8 tháng 3, 2017

Tê giác Vince khi được đưa tới vườn thú Thoiry

Những kẻ săn trộm lẻn vào vườn thú Thoiry ở thủ đô Paris 40 km, Pháp vào tối hôm 6/3, vượt qua nhiều biện pháp bảo vệ an ninh nghiêm ngặt và sát hại chú tê giác Vince quý hiếm để lấy sừng, theo RT.

Để tiếp cận con tê giác, những kẻ săn trộm bẻ gãy một trong những song chắn ngoài, dỡ cánh cửa kim loại bảo vệ chuồng thú và tháo rời cửa trong. Tất cả đều được tiến hành hết sức lặng lẽ.

Khi bước vào chuồng nuôi ba con tê giác, những kẻ đột nhập bắn ba phát vào đầu con tê giác 4 tuổi tên Vince, sau đó dùng cưa máy cưa đứt sừng của con vật.

Khi xác Vince được nhân viên vườn thú phát hiện vào sáng hôm 7/3, một trong hai chiếc sừng của nó đã mất trong khi chiếc sừng còn lại đang được cưa dở. Quản lý vườn thú cho rằng những kẻ đột nhập không kịp hoàn thành việc cưa sừng bởi có thứ gì đó khiến chúng hoảng sợ hoặc máy cưa của chúng bị hỏng.

trom-dot-nhap-vuon-thu-phap-sat-hai-te-giac-de-lay-sung

Con tê giác bị giết chết bằng ba phát đạn và cưa sừng. Ảnh minh họa: Facebook.

Cảnh sát đang điều tra vụ tấn công gây sốc này. Các điều tra viên vẫn chưa thể xác định loại vũ khí mà nhóm săn trộm sử dụng, do da tê giác quá dày để phát hiện dấu tích đạn bằng ảnh chụp X-quang.

Hai con tê giác trắng khác là Gracie, 37 tuổi và Bruno, 5 tuổi, cũng ở trong chuồng vào thời điểm xảy ra vụ tấn công nhưng may mắn không bị thương.

Vince ra đời ở vườn thú Burgers tại Arnhem, Hà Lan vào năm 2012 trước khi chuyển đến Pháp hồi tháng 3/2015.

Tập thể nhân viên ở vườn thú vô cùng sốc trước bi kịch xảy ra với con tê giác, đặc biệt là người chăm sóc Vince. Đây được coi là vụ sát hại động vật nuôi nhốt để lấy sừng đầu tiên ở châu Âu trong nhiều năm qua. 

Nạn buôn bán sừng tê giác trở thành ngành kinh doanh giàu lợi nhuận phát triển mạnh ở một số nước châu Á do quan niệm sừng tê giác có tác dụng chữa bệnh. Theo vườn thú Thoiry, một kilogram sừng tê giác có giá gần 54.000 USD. Dù tê giác trắng phương nam chưa phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, số lượng của chúng đang ở mức đáng báo động với ước tính 20.000 cá thể. Đa số tê giác sống ở vùng hoang dã Nam Phi và khoảng 250 cá thể phân bố trong các vườn thú châu Âu.

Phương Hoa

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài viết theo tháng

Tin tức nổi bật trong tuần

Đối tác