Thứ Năm, 24 tháng 3, 2016

Kỹ thuật nuôi tôm trong ruộng lúa đầu tiên được khám phá bởi ông Ba Sên (xã Long Điền Đông C, huyện Giá Rai, Bạc Liêu), sau đó chúng tôi ở Viện Hệ thống canh tác đồng bằng sông Cửu Long (Đại học Cần Thơ) mới bắt tay vào nghiên cứu cơ sở khoa học của kỹ thuật này. Nhiều cơ quan khoa học quốc tế đã hợp tác với chúng tôi từ những năm 1991 trở đi, kết quả khả quan đã được báo cáo rộng rãi, chỉ cần lên Internet và tìm kiếm dòng chữ "rice-shrimp farming system, Mekong Delta" sẽ đọc được thông tin này. 

Trong thời gian qua, nhiều nông dân gần nguồn nước mặn đã áp dụng kỹ thuật trồng lúa - nuôi tôm và trở nên khá giả. Những ruộng lúa cũng là vuông tôm được đắp bờ bao, có mương sâu cho tôm sinh trưởng, bên trong cấy lúa vào đầu mùa mưa. Cuối mùa mưa, lúa được gặt xong, khi đất còn sình sền sệt (không được để ruộng khô nứt nẻ) thì cho nước mặn vào pha với nước ngọt còn trong ruộng, và thả tôm giống.

Đưa vào lúc mặt ruộng còn ướt thì nước mặn chỉ ở trên mặt chứ không thấm vào đất bên dưới. Khi mùa mưa đến, nông dân dùng nước mưa đầu mùa để đẩy nước mặn ra ngoài sông và bắt đầu vụ lúa mới. Nếu cho nước mặn vào ruộng lúc đất khô nứt nẻ thì đất bị nhiễm mặn không trồng lúa được.

Điển hình nuôi tôm tự phát tại vùng mặn Bán Đảo Cà Mau (Giá Rai, Bac Liêu)

Điển hình nuôi tôm tự phát tại vùng mặn Bán Đảo Cà Mau (Giá Rai, Bạc Liêu)

Vì sao nhiều hộ nuôi tôm thất bại?

Nhiều nông dân trong vùng ngọt hóa trồng lúa, thấy những hộ khác bên ngoài đê ngọt hóa nuôi tôm có thu nhập khá hơn, nên đã lén phá đê ngăn mặn để lấy nước mặn nuôi tôm. Kết quả trong vài năm đầu rất khả quan, đời sống kinh tế nâng lên rõ rệt. Nhưng đó là hành động tự phát, bất hợp pháp khi đi ngược với chủ trương sản xuất lương thực của nhà nước.

Những vuông tôm của họ được xây dựng nối tiếp nhau một cách vô tổ chức, nước thải từ vuông tôm này được vuông tôm kia hứng, làm cho bệnh tôm lây lan ngày càng trầm trọng, khiến nhiều người nuôi tôm trở nên sạt nghiệp sau vài năm làm giàu trước đó.

Thái Lan, Philippines, Indonesia áp dụng công nghệ nuôi tôm và được nhà nước đầu tư khoa học, giúp nông dân sản xuất rất yên tâm và hiệu quả cao. Cơ sở hạ tầng của công nghệ này chủ yếu có trung tâm chế biến đông lạnh tôm. Bên cạnh đó còn có hệ thống kênh mương phân chia các vuông tôm bao gồm kênh chính lấy nước mặn từ sông hoặc biển vào pha với nước ngọt từ giếng khoan để có độ mặn thích hợp cho tôm.

Từ kênh chính này nước mặn đã pha được dẫn vào các kênh tưới dọc theo một bên các vuông tôm. Một hệ thống kênh tiêu dọc theo bên kia của vuông tôm sẽ hứng nước thải dẫn vào kênh tiêu chính để đưa ra biển.

MỘT THÍ DỤ TẠI INDONESIA (hình bên trái và dưới): Công nghệ nuôi tôm tại Tulang Bawang, tỉnh Lampung, Nam Sumatra, Indonesia (do Công Ty CP Prima đầu tư). Mỗi vuôn tôm được lấy nước mặn pha nước ngọt đến đúng độ mặn từ một kênh tưới riêng; và thải nước cũ ra một kênh tiêu riêng.

Công nghệ nuôi tôm tại Tulang Bawang, tỉnh Lampung, Nam Sumatra, Indonesia mang lại lợi ích cao. Mỗi vuông tôm được lấy nước mặn pha nước ngọt đến đúng độ mặn từ một kênh tưới riêng và thải nước cũ ra một kênh tiêu riêng.

Chủ trương nuôi tôm vùng ven biển hoặc vùng nhiễm mặn bên trong đất liền không thể thành công nếu nhà nước cứ để cho dân tự phát xây dựng vuông tôm như hiện nay. Nhà nước, với vốn vay của Ngân hàng thế giới (WB) hoặc Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), cần tổ chức một cách đúng kỹ thuật, với hệ thống kênh mương như trên.

Trong thời kỳ đổi mới, ngành thủy lợi nên chuyển từ phục vụ trồng lúa sang phục vụ cho nuôi thủy sản, chủ yếu là tôm chuyên canh, hoặc lúa - tôm để bảo đảm thành công. Tổ chức theo chuỗi giá trị liên kết 4 nhà chúng tôi chắc chắn nông dân nuôi tôm và doanh nghiệp chế biến sẽ hưởng lợi.

Tại đồng bằng sông Cửu Long, nhiều nơi nước mặn vào sâu đất liền tới 70-90 km, sâu hơn trung bình nhiều năm 15-20 km. Kinh tế và đời sống dân sinh của người dân 10/13 tỉnh thành phố như Long An, Tiền Giang, Bến Tre... bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Diện tích lúa thiệt hại từ cuối năm 2015 đến nay gần 160.000 ha, trong đó phần lớn là không có thu hoạch. Gần 300.000 hộ gia đình trong tháng qua không có thu nhập. Nhiều chính sách đưa ra, trong đó có phương án chuyển đổi cây trồng cho phù hợp với đất nhiễm mặn.

Giáo sư Võ Tòng Xuân

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Bài viết theo tháng

Tin tức nổi bật trong tuần

Đối tác